Bối cảnh Chiến_dịch_Blau

Tình hình chiến tranh Xô-Đức và tình hình thế giới

Từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 đến ngày 20 tháng 6 năm 1942, quân đội Đức đã chịu những thiệt hai chưa từng có kể từ đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai với 1.299.784 người chết, bị thương và mất tích tại Mặt trận Xô-Đức; trong đó có 38.837 sĩ quan và 1.260.947 binh lính.[9] Nhờ được tăng viện từ châu Âu, từ nước Đức và nền công nghiệp quốc phòng phát triển với sản lượng lớn vẫn được duy trì nên đến mùa hè năm 1942, quân đội Đức Quốc xã đã vượt qua cuộc khủng hoảng đầu tiên sau khi Chiến dịch Typhoon thất bại, kéo theo sự phá sản của Kế hoạch Barbarossa. Mặt trận mở rộng đã buộc quân Đức phải huy động thêm quân của các nước đồng minh của họ ra chiến trường. Trong đó, Thống chế Ion Antonescu của Romania cung cấp hai tập đoàn quân; Nhiếp chính vương Miklós Horty của Hungary cung cấp một quân đoàn bộ binh (5 sư đoàn) và ba sư đoàn cơ giới; Benito Mussolini, lãnh tụ Đảng Phát xít cầm quyền ở Ý cũng gửi một tập đoàn quân đến tham chiến bên cạnh quân Đức tại mặt trận Xô-Đức.[10] Ngoài ra, các đồng minh khác của Đức như Tây Ban Nha, Croatia, Slovakia cũng gửi hàng vạn quân của các nước này tham gia chiến đấu dưới quyền chỉ huy của người Đức.[11]

Tình hình quốc tế cũng không thuận lợi cho người Đức. Mặt trận Đồng Minh chống phát xít đã được hình thành với 26 nước tham gia với trụ cột là ba quốc gia mạnh nhất là Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh. Vào năm 1942, quân đội Hoa Kỳ (gồm cả ba quân chủng) đã có quy mô lên đến 7 triệu người và đang tiến hành cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương chống lại quân phiệt Nhật. Quân đội Anh (gồm cả quân Úc) cũng có quy mô lên đến gần 4 triệu người đang phải chiến đấu trên các vùng Đông và Đông Nam châu Á, Bắc Phi, Cận Đông và cả ở Nam Thái Bình Dương.[11] Khả năng quân Anh và Hoa Kỳ, đồng minh của Liên Xô mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu đã xuất hiện vào tháng 5 năm 1942 trong chuyến thăm Anh của ngoại trưởng Liên Xô V. M. Molotov. Tất cả những dữ kiện đó buộc Hitler phải có một kế hoạch mới nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đánh sập Liên Bang Xô Viết trong thời gian ngắn nhất có thể.

Vấn đề cốt yếu nhất đối với quân đội Đức Quốc xã là chọn hướng tấn công. Sau nhiều ngày nghiên cứu, các nhà chiến lược quân sự Đức quyết định chọn cánh Nam mặt trận Xô-Đức làm địa bàn tác chiến chiến lược trong chiến cục 1942-1943. Với việc chọn hướng tấn công này, quân đội Đức Quốc xã không chỉ nhằm các mục tiêu kết hợp giữa quân sự với chính trị và kinh tế mà còn là sự lựa chọn một khu vực có đặc điểm địa hình phù hợp với tác chiến cơ giới và phối hợp với không quân. Vùng đồng bằng phía tây Ukraina, phía nam nước Nga, thảo nguyên Kuban nằm ở hạ lưu các con sông lớn như Volga, Đông, các con sông nhỏ như Bắc Donets, Mius, Sal đều là những địa hình lý tưởng cho tác chiến hiệp đồng binh chủng. Trên những thảo nguyên tương đối bằng phẳng, các lực lượng xe tăng, cơ giới, pháo binh và không quân có thể phát huy tối đa sức mạnh của chúng. Toàn bộ tuyến mặt trận trải dài trên 1500 km từ Bryansk đến sườn phía bắc của dãy núi Kavkaz đang chuẩn bị chứng kiến cuộc đọ sức thứ hai giữa hai đối thủ khổng lồ về quân sự ở châu Âu.[6]

Những diễn biến mới trên mặt trận Xô-Đức

Mùa xuân năm 1942 trôi qua với thắng lợi nghiêng về quân đội Liên Xô sau trận phòng thủ bảo vệ Moskva. Thất bại trong việc đánh chiếm Moskva, Đức chuyển từ chiến tranh chớp nhoáng sang chiến tranh lâu dài và đặt kế hoạch tiêu diệt các cơ sở kinh tế của Liên Xô tại phía nam. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô cũng phải trả giá đắt với hàng triệu quân thương vong cùng hàng chục vạn đơn vị vũ khí, khí tài hạng nặng và máy bay bị tổn thất trong các trận đánh của Chiến cục Thu-Đông 1941-1942. Trong khi đó, các cơ sở công nghiệp quốc phòng được di dời khỏi vùng bị chiếm đóng còn đang hồi phục và các cơ sở mới được xây dựng ở Tây Sibir cũng mới bắt đầu cho ra mặt trận những mẻ sản phẩm đầu tiên.

Bước vào mùa hè năm 1942, quân đội Đức Quốc xã đã cơ bản thanh toán xong những vị trí phòng thủ của quân đội Liên Xô tại Odessa và bán đảo Krym. Mặc dù phải giữ thế phòng thủ trên hướng Moskva nhưng đến tháng 5 năm 1942, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã xóa được "cái dằm" Rzhev - Viazma do 7 sư đoàn Liên Xô đóng giữ. Trên hướng Bắc, mặt trận Leningrad tương đối ổn định do quân đội Liên Xô không đủ người và phương tiện để phản công (trừ trận Tikhvin). Những điều kiện này đã làm cho quân đội Đức Quốc xã có thể rút thêm nhiều sư đoàn trên các hướng thứ yếu để tập trung thành một quả đấm cực mạnh trên mặt trận miền Nam.

Góp thêm vào những thuận lợi đó của quân Đức là cuộc tấn công phiêu lưu về quân sự của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) trong Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya đã thất bại bởi cuộc phản công của quân Đức trên hướng Slaviansk-Kramatorsk. Chiến dịch này không những đã làm tiêu hao đáng kể cánh bắc của Phương diện quân Tây Nam mà còn đặt cả Phương diện quân này cũng với Phương diện quân Nam trước nguy cơ bị hợp vây. Và điều đó, cũng nằm trong mục tiêu trước mắt của Kế hoạch Blau. Trong khi đó, những lực lượng dự trữ của Liên Xô về cơ bản đã sử dụng hết trong mùa Đông 1941-1942. Với tốc độ nhanh nhất thì phải đến cuối mùa hè, quân đội Liên Xô mới có thể sử dụng được gần 50 sư đoàn dự bị mới được thành lập cấp tốc và đang trong giai đoạn đầu thực hành huấn luyện.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Blau http://users.pandora.be/stalingrad/germanpart/dir4... http://cgsc.cdmhost.com/cgi-bin/showfile.exe?CISOR... http://www.imdb.com/title/tt0107547/ http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://web.archive.org/web/20090506092909/http://m... http://www.worldcat.org/title/when-titans-clashed-...